VĂN HÓA DEI: KHAI PHÁ TIỀM NĂNG CỦA NỮ GIỚI TRONG NGÀNH CÔNG NGHỆ

Sự thiếu hiện diện của nữ giới trong ngành công nghệ, đặc biệt tại các vị trí lãnh đạo đang ngày càng trở nên rõ rệt. Văn hóa DEI ra đời không những bảo vệ quyền lợi mà còn khẳng định tiềm năng vượt trội của phụ nữ trong ngành công nghệ, đồng thời giúp doanh nghiệp tạo ra những bước đột phá lớn. Vậy văn hóa DEI là gì và mang lại những lợi ích nào? Hãy cùng khám phá trong bài viết dưới đây!

Thực trạng thiếu hụt nữ giới trong ngành công nghệ

Sự vắng bóng của nữ giới trong ngành công nghệ đặt ra nhiều thách thức cho sự phát triển bền vững

Ngành công nghệ vốn được biết đến với tốc độ phát triển nhanh chóng và đổi mới liên tục. Tuy nhiên, sự thiếu đa dạng về giới vẫn đang là một thách thức lớn của ngành này. Theo số liệu thống kê của Zippia:

  • Chỉ có 26,7% nhân viên trong ngành công nghệ là phụ nữ.
  • Phụ nữ trong ngành công nghệ có thu nhập trung bình ít hơn 16% so với nam giới.
  • Chỉ có khoảng 5% các vị trí lãnh đạo trong ngành công nghệ được đảm nhận bởi phụ nữ.

Việc thiếu hiện diện của nữ giới trong các nhóm phát triển sản phẩm công nghệ sẽ hạn chế sự đa dạng góc nhìn, gây cản trở việc thúc đẩy thúc đẩy đổi mới và sáng tạo, đồng thời ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của ngành. Hơn nữa, tình trạng này còn góp phần duy trì định kiến rằng ngành công nghệ chỉ phù hợp với nam giới, gây cản trở sự tiến bộ về bình đẳng giới.

Do đó, các công ty lớn như Google, Microsoft, và Facebook đã cam kết nâng cao sự đa dạng trong lực lượng lao động của mình, và văn hóa DEI là đích đến mà những doanh nghiệp này hướng tới.  

Văn hóa DEI là gì?

DEI là viết tắt của Diversity, Equity và Inclusion, trong Tiếng Việt là Đa dạng, Bình đẳng và Hòa nhập. Đây là một triết lý quản lý nhân sự và văn hóa doanh nghiệp nhằm xây dựng môi trường làm việc tôn trọng và khuyến khích:

  • Sự đa dạng: Sự đa dạng là sự hiện diện của những khác biệt trong một môi trường doanh nghiệp. Đa dạng không chỉ giới hạn ở sự khác biệt về giới tính, chủng tộc hay màu da mà còn bao gồm kinh nghiệm, học vấn, tư duy, và trải nghiệm sống. 
  • Sự bình đẳng: Bình đẳng đảm bảo rằng tất cả mọi người đều được đối xử công bằng, nhưng không có nghĩa là ai cũng nhận được những điều giống nhau. Thay vào đó, mỗi người được hỗ trợ phù hợp với hoàn cảnh riêng, giúp họ có cơ hội phát huy hết tiềm năng của mình.

Sự hòa nhập: Hòa nhập là việc đảm bảo rằng mọi người đều cảm thấy mình là một phần của tổ chức, được chào đón và lắng nghe. Không chỉ là sự hiện diện, mà còn là việc tạo cơ hội cho mọi người đóng góp và được coi trọng trong tổ chức.

Lợi ích của văn hóa DEI đối với nữ giới và doanh nghiệp công nghệ

Việc thực hành văn hóa DEI trong các doanh nghiệp công nghệ mang lại nhiều lợi ích cho nữ giới, đặc biệt là cơ hội phát triển và khai phá tiềm năng bản thân trong một lĩnh vực trước đây vốn được coi là “không phù hợp với họ”. Khi được doanh nghiệp tạo cơ hội phát triển và được đánh giá công bằng, họ sẽ có cơ hội để thăng tiến từ các vị trí entry-level cho đến lãnh đạo. Từ đó, mở ra cơ hội trở thành những hình mẫu lý tưởng, để khuyến khích và truyền cảm hứng cho các nữ chuyên gia công nghệ khác theo đuổi sự nghiệp trong ngành. 

Bên cạnh đó, văn hóa DEI cũng đem lại lợi ích ở nhiều khía cạnh khác nhau cho doanh nghiệp công nghệ, cụ thể: 

  • Thúc đẩy sự sáng tạo và đổi mới: Sự đa dạng trong các đội nhóm phát triển sản phẩm công nghệ mang đến góc nhìn phong phú, khơi dậy ý tưởng sáng tạo, giúp sản phẩm hoàn thiện và phù hợp với nhiều đối tượng hơn, từ đó duy trì lợi thế cạnh tranh trên thị trường.
  • Thu hút và giữ chân nhân tài: DEI tạo ra môi trường hấp dẫn, nơi ứng viên từ các nhóm đa dạng được chào đón, cảm thấy thoải mái và được đánh giá công bằng. Khi đó, họ sẽ có xu hướng gắn bó lâu dài hơn với công ty, từ đó giảm tỷ lệ nghỉ việc, và góp phần vào sự phát triển bền vững của doanh nghiệp trong ngành công nghệ cạnh tranh.

Gia tăng hiệu quả kinh doanh: Các nghiên cứu chỉ ra rằng doanh nghiệp có văn hóa DEI thường đạt được hiệu suất tài chính tốt hơn, nhờ vào sự đổi mới và khả năng đáp ứng nhanh chóng với nhu cầu thị trường.

Case study: Văn hóa DEI giúp khai phá tiềm năng của nữ giới trong ngành công nghệ

Hiện nay, văn hóa DEI được áp dụng rộng rãi trong chiến lược nhân sự của rất nhiều công ty công nghệ nổi tiếng trên thế giới, và Microsoft là một trong số đó. Bà Lindsay-Rae McIntyre, Giám đốc Đa dạng (Chief Diversity Officer) tại Microsoft cho biết:

Bà Lindsay-Rae McIntyre – Giám đốc Đa dạng tại Microsoft

Trong 5 năm qua, Microsoft đã tăng cường sự hiện diện của phụ nữ ở mọi cấp độ trong lực lượng lao động.  Đặc biệt, trong năm 2023, tỷ lệ phụ nữ trong các vị trí điều hành đạt 29,1%, đánh dấu mức tăng trưởng 3,2% theo năm. 

Bên cạnh đó, Microsoft cũng cam kết và đảm bảo nhân viên được trả lương công bằng, dựa trên các yếu tố như chức danh, cấp bậc và thâm niên. Tính đến tháng 9/ 2023, báo cáo của tập đoàn này chỉ ra rằng phụ nữ trong và ngoài Hoa Kỳ đều nhận được mức lương tương đương với đồng nghiệp cùng vị trí.

Như vậy, văn hóa DEI tại Microsoft không chỉ bảo vệ quyền lợi mà còn giúp phụ nữ phát huy tiềm năng của mình thông qua việc cung cấp môi trường làm việc công bằng, hỗ trợ phát triển sự nghiệp và đảm bảo mọi nỗ lực đều được công nhận đúng mức.

Tham khảo:

Forbes (2023), Microsoft Marks 10 Years Of DEI Data With Latest Report, https://www.forbes.com/sites/carolinamilanesi/2023/11/02/microsoft-marks-10-years-of-dei-data-with-latest-report/

Pace Institue of Management (2023), DEI là gì? Ứng dụng DEI để giải bài toán lợi ích cho nhân viên & doanh nghiệp, https://www.pace.edu.vn/tin-kho-tri-thuc/dei-la-gi 

Moser Consulting (2024), Diversity, Equity, and Inclusion in Tech, https://www.moserit.com/blog/diversity-equity-and-inclusion-in-tech 

Generating, Women in Tech: The Importance of Gender Diversity in the Tech Industry, https://www.generation.org/news/women-in-tech-the-importance-of-gender-diversity-in-the-tech-industry/ 

BlueC (2023), DEI – Xu hướng xây dựng văn hóa doanh nghiệp đa dạng, bình đẳng và hòa nhập, https://bluec.vn/dei-xu-huong-xay-dung-van-hoa-doanh-nghiep-da-dang-binh-dang-va-hoa-nhap.html

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Scroll to Top